Là người gắn bó với ngành Điện Việt Nam qua công tác giảng dạy cũng như tham gia hoạt động quản lý, Giáo sư đánh giá thế nào những thành tựu đã đạt được của ngành Điện những năm qua?
Là người gắn bó với ngành Điện Việt Nam qua công tác giảng dạy cũng như tham gia hoạt động quản lý, Giáo sư đánh giá thế nào những thành tựu đã đạt được của ngành Điện những năm qua?
Trong những năm qua, Việt Nam liên tục đạt được những bước phát triển tích cực, luôn đứng trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao; đời sống người dân được nâng lên, thứ tự năng lực cạnh tranh quốc tế được cải thiện, trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực đã có nhiều đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam suốt giai đoạn vừa qua.
1. Những đóng góp của FDI đối với kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2022
Xét theo tốc độ tăng và tỉ trọng trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội
Trong những năm qua, FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao với tốc độ tăng trưởng vốn FDI thực hiện ở mức khoảng 10 - 15% (trừ những năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19). Tuy nhiên, mức tăng trưởng vốn và cơ cấu vốn trong tổng vốn đầu tư đang có xu hướng giảm. Trong đó: (i) Về tăng trưởng vốn: Năm 2015, tốc độ tăng trưởng vốn FDI thực hiện là 14,8%, giảm xuống còn 12,4% trong năm 2017 và 3,7% trong năm 2019; trong năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng vốn FDI ở mức âm nhưng đã phục hồi tốt hơn trong năm 2022 với mức tăng trưởng 13,9%; (ii) Về cơ cấu vốn: Giai đoạn 2011 - 2015, vốn FDI thực hiện chiếm tỉ trọng 18,3% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; giai đoạn 2016 - 2020, tỉ trọng này tương ứng là 17,66%; năm 2021 là 15,8% và năm 2022 ước khoảng 16,2%. (Hình 1)
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023)
Xét về mức độ đóng góp cho tăng trưởng và các hoạt động của nền kinh tế
Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đầu tư FDI có vai trò to lớn trong việc hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông; khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, da giày... tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Cụ thể:
Đóng góp của khối FDI vào tăng trưởng kinh tế đã tăng từ 21,52% giai đoạn 2011 - 2015 lên 25,1% giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội, đóng góp của khu vực FDI trong tăng trưởng kinh tế giảm, chiếm 14% mức tăng trưởng cả năm 2021. Trong đó, công nghiệp là ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất với tốc độ tăng trưởng cao (tăng gần hai lần cả về quy mô và tỉ trọng trong 10 năm qua), đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm hơn 60% vốn đầu tư vào các ngành và khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) với một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn công nghệ toàn cầu1 đã tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành trong bối cảnh một số ngành công nghiệp lớn đã chạm trần tăng trưởng (dệt may, da giày, khai khoáng…) và góp phần hình thành nên các trung tâm công nghiệp mới của đất nước2.
Nguồn: Tổng cục Thống kê (tháng 6/2023)
Đối với thị trường lao động, khu vực FDI đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đem lại nguồn thu nhập khả quan cho người lao động. Năm 2011, khu vực FDI đem lại việc làm cho 2,1 triệu lao động (chiếm tỉ trọng 4,2% tổng số lao động đang làm việc), đến năm 2015 là khoảng 3,2 triệu lao động (chiếm 6%) và tăng lên 4,59 triệu lao động năm 2021 (chiếm 9,35%). Trong đó, tỉ lệ thu nhập của lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động chiếm 31,62% năm 2015, tăng lên 38,31% vào năm 2020; tương đương với mức bình quân 7,5 triệu đồng/tháng năm 2015 và tăng lên mức 10,52 triệu đồng/tháng vào năm 2020. Riêng đối với lao động nữ, khu vực FDI đã góp phần tạo việc làm cho đa số lao động nữ trong nền kinh tế, theo đó, tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lao động nữ năm 2015 là 2,56 triệu người (chiếm 43,3% tổng số lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động) và tăng lên 3,12 triệu người (chiếm 45,38%) năm 2020. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn tạo ra nhiều việc làm khác một cách gián tiếp do tác động kích thích đầu tư trong nước như phát triển doanh nghiệp vệ tinh, các ngành nghề cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI.
Bảng 2: Việc làm và thu nhập của lao động
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023)
Về nâng cao trình độ công nghệ thông qua hoạt động đầu tư nghiên cứu của doanh nghiệp FDI hoặc chuyển giao công nghệ
Trong thời gian qua, thông qua các dự án FDI, nước ta đã đạt được những thành công nhất định trong việc tiếp nhận công nghệ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến của thế giới như: Bưu chính - viễn thông, ngân hàng, dầu khí, xây dựng, giao thông, cầu đường... Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm mới mà trước đây chưa có; hạn chế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa thuộc các lĩnh vực như dầu khí, vật liệu xây dựng, điện tử gia dụng, phương tiện giao thông. Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu như máy tính, điện thoại thông minh, hàng điện tử gia dụng, cơ khí chế tạo… Do sức ép cạnh tranh ngày càng tăng và tác động lan tỏa từ doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nâng cao năng lực công nghệ. Kết quả là doanh nghiệp trong nước ở một số ngành, lĩnh vực đã tự chủ sản xuất được các sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thay thế hàng nhập khẩu với giá cả hợp lí, được người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng và từng bước xâm nhập thị trường thế giới, trong đó, dầu khí và truyền thông là hai ngành nhờ chuyển giao công nghệ và nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với dự án FDI nên đã phát triển với tốc độ nhanh, hiện đại, tiến kịp trình độ khu vực và thế giới. Cụ thể, trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, Việt Nam không những đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại và phức tạp trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa mà còn có năng lực về công nghệ và nhân lực tham gia một số liên doanh ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực truyền thông, Việt Nam đã chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều công nghệ hiện đại như mạng viễn thông số hóa, mạng cáp quang, công nghệ GSM và CDMA, công nghệ 4G, 5G. Việt Nam đã triển khai thành công một số hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông với hai cường quốc lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong lĩnh vực công nghệ cao, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ba khu công nghệ cao quốc gia, trong đó Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh sau 15 năm thành lập, đã có khoảng 130 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng kí gần 7 tỉ USD, với sự hiện diện của những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như Intel, Microsoft, Nidec, Sanofi, Nipro, Samsung... Ngoài ra, hiện đang có hàng trăm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (một trong 4 lĩnh vực ưu tiên theo Luật Công nghệ cao) hoạt động trong các khu công nghệ thông tin tập trung. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận cho trên 50 doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp Giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho 35 doanh nghiệp.
Với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, Việt Nam cũng nâng dần tỉ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao trong tổng xuất khẩu, từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020, bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 35,9%, thấp hơn so với Philippines, Singapore, Malaysia nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2019, tỉ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao trong tổng xuất khẩu của Brunei là 15,17%, Campuchia là 1,09%, Indonesia là 9,1%, Lào là 24,11%, Malaysia là 49,58%, Myanmar là 9,1%, Philippines là 61,3%, Singapore là 51,07%, Thái Lan là 23,4%. Trong suốt giai đoạn này, chỉ có 04 nước ASEAN có hàm lượng xuất khẩu công nghệ cao trung bình trên 30% là Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam; riêng trong 03 năm 2017, 2018 và 2019, cũng chỉ có 04 nước này có hàm lượng trên 40%. Tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020 và 86,2% năm 2021.
Đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị thông qua mức độ cung ứng đầu vào của các doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp FDI
Với các doanh nghiệp FDI, nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là rất lớn bởi đầu ra của các doanh nghiệp FDI không chỉ là thị trường Việt Nam mà còn phục vụ xuất khẩu. Trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, tính đến năm 2021, khả năng tham gia chuỗi cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp trong nước chưa cao và đang có xu hướng giảm, phần lớn nguồn cung cho các doanh nghiệp FDI là nhập khẩu từ nước ngoài hoặc từ các doanh nghiệp FDI khác. Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 (tháng 4/2023): Năm 2019, tỉ lệ doanh nghiệp có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam lần lượt ở mức 17,2% và 9,6%; đến năm 2022, giảm xuống còn 7,4% và 3,7%. Bên cạnh đó, tỉ lệ doanh nghiệp có khách hàng ở nước ngoài năm 2022 cũng giảm so với trước dịch Covid-19, cụ thể, năm 2019 có 10,9% doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 8,7% xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba; những con số này đã giảm dần trong những năm sau đó, đến năm 2022, chỉ còn 3,9% doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 2,6% doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo PCI - FDI năm 2022 (tháng 4/2023), nhóm khách hàng chính của doanh nghiệp FDI chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam, năm 2022 chiếm tỉ lệ 45,04%; từ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chiếm 32,8% hoặc từ nguồn nhập khẩu bên ngoài (31,2%); nguồn cung từ doanh nghiệp dân doanh khá thấp (12,15%) và hầu như không sử dụng nguồn từ các doanh nghiệp thuộc nhà nước (5,97%). Nguồn cung từ khối doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân Việt Nam mặc dù có cải thiện so với năm 2021 (33,6%) nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước dịch Covid-19. Tuy vậy, tỉ lệ này đã có sự điều chỉnh giảm so với năm 2016, theo đó, nhóm khách hàng chính của doanh nghiệp FDI năm 2016 vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp FDI với tỉ lệ 53,1%, từ nguồn nhập khẩu với tỉ lệ 39%, từ nguồn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là 41,1%, doanh nghiệp dân doanh là 18,2%, nguồn từ doanh nghiệp nhà nước là 11,9%. Thêm nữa, về khả năng cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI, mặc dù nguồn cung ứng của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có sự cải thiện so với năm 2020 - 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân 5 năm trước dịch Covid-19, đồng thời, các doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh với nguồn cung người mua nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, nguồn cung từ chính doanh nghiệp nước xuất xứ và từ chính doanh nghiệp tự sản xuất. (Bảng 3)
Nguồn: Điều tra PCI - FDI 2022 (tháng 4/2023)
Hiện trạng này cho thấy, sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI mặc dù có cải thiện nhưng các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo chiều sâu, theo hướng giảm tỉ trọng của ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo được một số ngành công nghiệp mũi nhọn.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực (như điện tử, dệt may, da giày...) tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng khoảng 76,4% giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2021 là 71,8% và năm 2022 khoảng 77,8%. Tỉ trọng xuất khẩu của công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng trị giá xuất khẩu đã tăng từ 82,5% năm 2010 lên 92,5% năm 2015, 95,9% năm 2020 và 96,2% năm 2021, đảm bảo mục tiêu đề ra đối với tỉ trọng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo giai đoạn 2016 - 2020 (85 - 90%). Một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo định hướng chiến lược đã phát triển lớn mạnh5. Một số ngành công nghiệp xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và chiếm thị phần ngày càng lớn trên thị trường quốc tế6. Công nghiệp hỗ trợ từng bước hình thành và phát triển, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam, góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng.
Có thể nhận thấy, trong những năm qua, FDI đã góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, để thu hút FDI và cạnh tranh với các nước trong khu vực, Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế cần thiết cho các hoạt động kinh doanh và thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân... Tuy nhiên, FDI ở nước ta những năm qua cũng tồn tại một số vấn đề như:
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào một số ngành có giá trị gia tăng cao, nguồn nhân lực dồi dào, ít đòi hỏi cao về trình độ lao động, trong khi các ngành hiện đang được khuyến khích đầu tư như nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất thiết bị y tế, giáo dục, logistic... thì vẫn chưa thu hút được nguồn vốn FDI như kì vọng.
Bên cạnh đó, việc thu hút FDI chưa tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu và phát triển các ngành công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa tạo được ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt và có sức cạnh tranh quốc tế cao. Hiện nay, sản xuất công nghiệp nước ta chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI dẫn đến tính tự chủ trong cung ứng hàng hóa còn thấp; Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên phụ liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước (chiếm tỉ trọng từ khoảng 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu qua các thời kì). Nguyên nhân là do hầu hết các ngành đều do doanh nghiệp FDI nắm giữ cả về nguyên liệu, máy móc thiết bị, sản xuất, thị trường và khách hàng. Việc lựa chọn Việt Nam ở các phân khúc thấp trong chuỗi giá trị là do lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong chi phí nhân công, thuế, đất đai... trong khi nước ta chưa có lợi thế cạnh tranh về công nghệ, tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, sự hiểu biết về thị trường, khách hàng…
Vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp đa số tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm; số dự án đầu tư vào công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại chưa nhiều. Theo báo cáo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hóa và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.
Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước, tỉ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp. Hầu hết sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, chủ yếu có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lí chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lí môi trường).
Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển theo hướng hợp tác chuyên môn hóa. Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có với các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác, gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp FDI là những doanh nghiệp tham gia vào khâu chế biến cuối cùng của chuỗi sản xuất để xuất khẩu được đặt trong các khu/cụm ngành chuyên môn hóa, trong khi các công ty ở phân khúc đầu của chuỗi giá trị - thường là doanh nghiệp tư nhân trong nước - hầu hết nằm ở ngoài các khu/cụm này. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết yếu giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước, hạn chế sự lan tỏa về công nghệ và kĩ năng quản lí hiện đại.
3. Một số khuyến nghị chính sách
Thứ nhất, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các xu hướng đầu tư trong tương lai và phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta.
Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với những định hướng FDI mới, đòi hỏi của các tập đoàn xuyên quốc gia và sự cạnh tranh trong khu vực. Những ưu đãi hiện hành như ưu đãi thuế, tiền thuê đất... cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và trình độ phát triển của vùng, địa phương.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước trong các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút như công nghiệp nền tảng; chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam; đầu tư đào tạo, nâng cao kĩ năng, trình độ cho lao động Việt Nam...
Thứ hai, cần xây dựng định mức, quy chuẩn cụ thể trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Nước ta cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó xây dựng định mức quy chuẩn về quy mô, mức độ, trình độ dự án đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả dòng vốn đầu tư đối với sự phát triển của ngành, lĩnh vực và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành theo đúng định hướng. Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để đảm bảo có được các dòng vốn ổn định, ít chịu tác động bởi các cú sốc; đồng thời, có được các dự án đầu tư thực chất, có sức lan tỏa và hiệu quả kinh tế cao.
Đổi mới chính sách đầu tư nhằm thu hút, đón đầu có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành, đón đầu các xu hướng đầu tư, dịch chuyển đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các chuỗi cung ứng hàng công nghiệp trên thế giới và ở khu vực, dòng đầu tư đang dịch chuyển ra khỏi các trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu do tác động của các xung đột thương mại và dịch Covid-19 vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên và công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua tăng cường tích lũy vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn lực. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định để cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh nhằm giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện tăng cường liên kết vùng, thu hút mạnh các nguồn lực bên trong và bên ngoài đầu tư cho phát triển.
Theo quan điểm của Lin (2010), cấu trúc vốn có quan hệ chặt chẽ đến giá và cơ cấu công nghiệp tối ưu. Do đó, để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại cần áp dụng công nghệ mới và công nghệ hiện đại cho các ngành công nghiệp cốt lõi; đồng thời, nâng cấp các ngành công nghiệp từ việc sản xuất thâm dụng lao động sang các ngành mới thâm dụng vốn để tăng quy mô sản xuất. Trong đó, có thể xem xét việc dựa vào sự sẵn có của công nghệ và các ngành đã được phát triển ở các nước tiên tiến để lựa chọn công nghệ phù hợp với lợi thế so sánh của nền kinh tế Việt Nam và phát triển các ngành phù hợp với cơ cấu của các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Muốn làm được điều này thì Việt Nam cần tăng cường tích lũy vốn để nâng cấp sở vật chất kĩ thuật, chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới khoa học và công nghệ để có được các lợi thế cạnh tranh và sẵn sàng đón nhận, đủ khả năng hấp thụ các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, chủ động thường xuyên rà soát, đánh giá các nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Việt Nam được đánh giá là có 08 nhóm lợi thế thu hút FDI, bao gồm môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào, tình hình chính trị ổn định, môi trường pháp lí đầy đủ, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, vị trí địa lí đặc biệt, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, không phải nhóm lợi thế nào cũng phát huy và đem lại hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài; do đó, cần có đánh giá thường xuyên 08 nhóm lợi thế này về các thuận lợi, hạn chế, khó khăn, từ đó, phát huy những điểm mạnh, khắc phục các tồn tại để có những điều chỉnh chính sách, giải pháp kịp thời, mang lại hiệu quả hơn trong thu hút FDI.
1 Samsung, LG, Foxcom… 2 Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… 3 Gạo (thứ 2), giày dép (thứ 3), sản phẩm dệt may (thứ 7); điện tử (thứ 12, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới); thủy sản (thứ 4); sản phẩm đồ gỗ (thứ 5)… 4 Từ năm 2018 không có số liệu thống kê. 5 Trong số 11 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển giai đoạn 2011 - 2020 thì đến nay, 6/11 ngành hiện là các ngành công nghiệp đứng đầu cả nước, có đóng góp lớn cả về sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và việc làm gồm: (1) Dệt may; (2) Da giày; (3) Thực phẩm chế biến; (4) Thép; (5) Hóa chất; (6) Nhựa. Trong số 03 ngành công nghiệp mũi nhọn được xác định cho thời kì này, ngành điện tử đã phát triển bứt phá và trở thành ngành công nghiệp lớn thứ ba về đóng góp giá trị tăng thêm vào GDP và là ngành xuất khẩu lớn nhất của đất nước với sự bứt phá cao trong 05 năm qua (chiếm tới hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu).
6 Thị phần xuất khẩu của ngành: Da giày (khoảng 8,5%); dệt may (khoảng 5%); nội thất (khoảng 4%); điện tử (khoảng 2,5%); thực phẩm (khoảng 1,5%); các ngành: Thép, cao su, giấy, hóa chất… (khoảng 0,5 - 1%).
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2020), 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỉ nguyên mới, Kỉ yếu hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài.
2. Bui Hoang Ngoc, Dang Bac Hai, 2019, The impact of foreign direct investment on structural Economic in Viet Nam, Springer Nature Switzerland AG 2019, ECONVN 2019, SCI 809, pages 352-362, 2019.
3. Đinh Thế Phúc, Đinh Thị Thanh Hải, 2020, “Xu thế dịch chuyển đầu tư và gợi ý một số giải pháp cho Việt Nam về tiếp nhận dòng vốn FDI mới sau đại dịch Covid-19”, Tạp chí Công Thương, số 16, tháng 7/2020.
4. Hoàng Mạnh Hùng, 2018, “Tác động của FDI lên quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 256 (II), tháng 10/2018.
5. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, (2021), Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài và Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tài liệu dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
6. Lê Xuân Bá và cộng sự, 2006, Tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Dự án SIDA “Nâng cao năng lực nghiên cứu chính sách để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010”, Nhà xuất bản Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội, 2006.
7. Tổng cục Thống kê, (2021), Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016 - 2020, Nhà xuất bản Thống kê.
8. Tổng cục Thống kê, 2021, Công nghiệp chế biến, chế tạo: Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Nhà xuất bản Dân trí.
9. UNCTAD: “World investment report 2020 - International production beyond the pandemic”, United Nations Publications, New York, USA, 2020.
10. UNCTAD: “World Investment Report 2021 - Investing in sustainable recovery”, United Nations Publications, New York, USA, 2021.
11. UNCTAD: “World Investment Report 2022 - International tax reformsand sustainable investment”, United Nations Publications, New York, USA, 2022.
ThS. Vũ Huyền Trang Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính
Câu trả lời đúng là đáp án B: Muay Thái (hay còn được gọi là boxing Thái) là môn võ cổ truyền đồng thời là môn thể thao phổ thông của Thái Lan. Muay Thái bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1781 theo Phật lịch (tức năm 1237 Dương lịch), dưới thời Sukhoithai. Đế chế này lúc bấy giờ thường xuyên phải chống chọi với các cuộc tấn công của những dân tộc láng giềng. Như một lẽ tất yếu, người Thái Lan khi đó phải rèn luyện các kỹ năng để chiến đấu. Ngoài các binh khí như kiếm, giáo, cơ thể con người cũng được xem như công cụ trong một số tình huống cận chiến. Đây là cơ sở để phát triển các kỹ thuật đấm, đá, sử dụng đầu gối, cùi chỏ của Muay Thái sau này. Trong thời gian hòa bình, người Thái luyện tập Muay và coi đó là cách rèn luyện nhân cách và tự vệ. Việc tập luyện Muay gần như trở thành phong tục truyền thống, một thói quen. Đặc biệt, Muay Thái được coi như môn nghệ thuật đỉnh cao, được giảng dạy trong cả Hoàng gia Thái Lan.